Bơ booth (người trồng thường gọi là bơ bút) là giống cây ăn trái mới có mặt ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Kể từ khi xuất hiện, chúng đã tạo được ấn tượng tốt về chất lượng dinh dưỡng và độ thơm ngon. Bài viết này https://tinnhanong.com/ giới thiệu đến bạn đọc những thông tin cơ bản về giống bơ mới này.
# Bơ booth là gì?
Bơ booth là loại cây ăn trái hiện nay đang đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Bơ booth có hình dáng quả tròn đều, vỏ màu xanh và khi già thì hơi ngả vàng. Da của chúng căng nhưng có vân xù xì, không láng bóng.
Thịt của bơ booth có màu vàng tươi, có độ dẻo, thơm ngon hơn các loại bơ sáp, bơ nước thông thường.
Do khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm và thổ nhưỡng ở nước ta rất cao nên hiện nay, giống bơ này đã được lai tạo thành 11 giống khác nhau. Mỗi loại bơ booth lại có những ưu điểm riêng biệt. Chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc đặc điểm riêng của một số loại được trồng nhiều nhất ở nước ta hiện nay:
Bơ booth 1
Là giống F1 đầu tiên được các nhà khoa học nghiên cứu, lại tạo ra. Đây là giống có trái to nhất trong các loại bơ booth hiện nay, nhưng hạt của chúng cũng rất to nên phần thịt quả không được dày. Hương vị của giống bơ booth 1 cũng chưa được đậm đà. Giống này ít được sử dụng so với các giống sau này.
Bơ booth 3
Là giống bơ có vẻ ngoài khá giống bơ Hass, nhưng tròn hơn, kích thước từ 13-15cm. Giống bơ này có vỏ màu xanh bóng đẹp mắt, nhưng cũng giống như giống bơ booth 1, có hạt to và phần thịt ít nên cũng không được trồng nhiều.
Bơ booth 5
Đã có cải tiến khá nhiều so với 2 giống bơ booth 1,3 và có lớp vỏ khá sần mặc dù có độ bóng. Kích thước quả bơ booth 5 từ 7-10cm. Chất lượng quả có độ béo vừa, thịt quả màu vàng nhạt nhưng hạt vẫn khá to và thịt quả vẫn chưa được dày.
Bơ booth 7
Đây là giống hiện nay cho năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất. Chính vì vậy, chúng được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Tây Nguyên. Nói đến bơ booth, chính là người dân nhắc đến loại bơ booth 7 này.
Trái bơ booth 7 có màu vỏ xanh tươi, tròn đều, kích thước trái từ 10-12cm và trọng lượng trung bình khoảng 350gr. Phần thịt quả có màu vàng đậm, hạt nhỏ, thịt dày và có độ dẻo cao, hương vị béo ngậy thơm ngon.
Bơ booth 8
Kế thừa ưu điểm của bơ booth 7 về phần cơm thịt quả dày, hương vị đậm đà, béo ngậy, nhưng bơ booth 8 có kích trước trái to hơn, khoảng từ 10-13cm. Hình dáng quả bơ booth 8 bầu hơn so với vẻ tròn trịa của bơ booth 7.
# Nguồn gốc bơ booth ở đâu
Là loại trái cây vùng nhiệt đới, bơ booth có nguồn gốc từ châu Mỹ. Cụ thể, giống bơ này được phát hiện từ năm 1912 ở Florida của Mỹ. Sau đó chúng được nhân giống đưa đến trồng nhiều tại các nước Nam Mỹ như: Cuba, Mexico, Guatemala, Úc, New Zealand…
Đến cuối thế kỷ XX, chúng được nghiên cứu và đưa về trồng thử nghiệm tại Việt Nam. Rất nhanh sau đó, chúng được đưa vào trồng đại trà ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nước ta do cây bơ thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng các vùng này nên cho năng suất cao, chất lượng tốt.
# Đặc điểm nổi bật giống bơ booth
Bà con nông dân có thể phân biệt bơ boot nhờ vào các đặc điểm nổi bật sau đây:
- Quả bơ booth có dáng tròn đều. Phần vỏ quả có màu xanh, dày. Trọng lượng trung bình quả tầm 350gr/quả và mỗi quả có 1 cuống riêng nên rất dễ dàng trong bảo quản.
- Bơ booth có phần thịt màu vàng kem đẹp mắt, có độ dẻo, hương vị béo ngậy và không có xơ. Phần thịt của trái bơ booth dày, tỷ lệ đạt từ 70-80%, có hạt khít vào phần thịt. Ưu điểm này đem đến lợi thế cho bơ booth trong việc đáp ứng yêu cầu của sản phẩm bơ xuất khẩu ra bên ngoài.
- Là giống cho tỷ lệ đậu trái cao.
- Bơ booth có thời điểm thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch. Quả bơ booth già khi hái xuống cần từ 4-6 ngày mới chín. Do đó nhà vườn có thể bảo quản dễ dàng và không lo chúng bị tác động vật lý khi vận chuyển đi xa.
- Bơ boot hiện đang được bà con nông dân yêu thích trồng vì chúng có thể cho thu hoạch trái vụ với năng suất cao nếu biết cách chăm sóc tốt.
Cập nhật thêm:
- Bảng giá quả bơ mới nhất hôm nay.
# Kỹ thuật trồng và chăm sóc bơ booth hiệu quả
Kỹ thuật trồng bơ booth
Bơ booth cũng tương tự các giống bơ khác, cần được trồng ở nơi có thể thoát nước tốt để tránh bị các bệnh nấm rễ do thừa ẩm gây nên. Bơ thích hợp nhất với những vùng thổ nhưỡng đất đỏ bazan.
Mật độ trồng bơ khi trồng thuần thường là từ 200-400 cây/ha với khoảng cách trồng khoảng 6m x 8m hoặc 4m x 6m. Nếu trồng xem với các loại cây khác thì khoảng cách trồng là 9 x 12m và mật độ thấp hơn, khoảng 100 cây/ha.
Thời điểm trồng cây bơ thường là vào tháng 6, 7 dương lịch vì đây là mùa mưa, thích hợp để cây non phát triển.
Hố trồng cây bơ non thường được đào với kích thước 60cm x 60cm x 60cm. Bà con nông dân cần cho phân chuống, phân lân và vôi bột vào hố, phủ đất trước từ 15 ngày đến 1 tháng trước khi trồng cây.
Bầu cây giống mua về, bà con rạch bỏ túi nilon bọc bầu, cắt bớt rễ dài và đặt vào hố, lấp đất, nén chặt xung quanh cho cây không bị lung lay, ảnh hưởng tới sự phát triển của rễ.
Cây bơ mới trồng cần có chế độ tưới nước đặc biệt, nhất là trong điều kiện thời tiết khô hạn. Để cây non có thể phát triển tốt thì đất phải có độ ẩm nhất định. Theo khuyến cáo, mỗi lần tưới cần 10-20 lít nước mỗi gốc. Có thể kết hợp với phun thuốc phòng trừ tuyến trùng hại rễ cây khi cây non đã trồng được vài tháng.
Kỹ thuật chăm sóc cây bơ hiệu quả
Cây bơ non trong thời kỳ kiến thiết cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt để có thể phát triển tốt. Giai đoạn này chúng cần được bón phân 4-5 lần, lần đầu cách ngày trồng khoảng từ 1 tháng với lượng phân từ 4-6kg, cách gốc 20-30cm.
Cây bơ sau giai đoạn kiến thiết là giai đoạn cho trái. Để cây bơ trong độ tuổi ra trái cho năng suất cao thì bà con cần bón phân cho chúng với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi bắt đầu vào mùa quả thì bà con cần bón nhiều kali. Phân hữu cơ, phân vi sinh cần được bón thường xuyên để tạo môi trường sinh thái tốt cho bộ rễ cây phát triển.
Tỉa cành, tạo tán cho cây bơ:
Sau mỗi vụ thu hoạch, bà con nông dân cần tỉa cảnh cho cây bơ để loại bỏ những cành có triệu chứng bị sâu bệnh, cành già, cành không cho trái giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành có trái. Bên cạnh đó, cắt tỉa cành, tạo tán cũng giúp cho cây bơ có thể nhận được đủ ánh sáng để nuôi dưỡng trái tốt hơn.
Phòng trừ sâu bệnh:
Cây bơ ít bị các bệnh nghiêm trọng, thường sâu bệnh trên cây bơ booth là các loại sâu cuốn lá, sâu đục thân, côn trùng trích hút thân – trái cây, các bệnh nấm rễ… Biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây bơ là thường xuyên thăm cây để phát hiện triệu chứng sâu, côn trùng, nếu có thì phun thuốc sinh học phòng trừ. Với các loại nấm bệnh thì phun phòng trừ vào gốc rễ của chúng.
- Xem thêm: Kỹ thuật trồng và chăm sóc bơ hiệu quả.
# Mua giống bơ booth ở đâu tốt?
Sự phát triển về công nghệ, giao thông và các loại hình kinh doanh đa phương tiện cho phép bà con nông dân có thể mua giống bơ booth ở bất kỳ nơi nào trên đất nước. Có thể mua trực tiếp tại các vườn ươm, đại lý cây giống hoặc các viện trường về nông nghiệp. Bà con cũng có thể đặt mua trên các website của các trung tâm uy tín để mua được giống bơ tốt nhất.
Với năng suất cao, chất lượng thịt quả tốt, bơ booth đang dần trở thành trái cây phổ thông trong đời sống người dân Việt Nam. Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp giúp bà con nông dân có được nguồn để quyết định thay đổi, làm mới cơ cấu cây trồng trong ruộng vườn của mình, từ đó nâng cao đời sống nhờ giá trị thu về từ cây bơ.