Hồ tiêu là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao và được trồng phổ biến ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ của nước ta. Là loại cây thích hợp với vùng khí hậu nóng ẩm, hồ tiêu sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau. Tuy nhiên, bà con cần quan tâm đến các bệnh thường gặp trên cây tiêu để có biện pháp phòng tránh, giúp cây cho năng suất cao, chất lượng hạt tốt nhất.
Bài viết này giúp bà con nông dân nhận diện được các bệnh thường gặp trên cây tiêu và các biện pháp, thuốc phòng tránh các loại bệnh trên. Hãy cùng tìm hiểu với Tin nhà nông nhé.
# Các bệnh thường gặp trên cây tiêu.
Cây tiêu là loại cây thích hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm. Tuy nhiên, khí hậu đó cũng tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh hại phát triển. Dưới đây là các bệnh thường gặp trên cây tiêu:
Các bệnh thường gặp trên cây tiêu: Bệnh vàng lá (bệnh chết chậm)
Triệu chứng: Cây bỗng dưng phát triển chậm, các lá già bị vàng sau đó lá toàn cây héo và rụng hàng loạt. Tiếp đến là các đốt cây tiêu bị rụng, cây ra hoa và đậu quả kém. Hiện tượng này kéo dài, chậm, xuất hiện thành từng vùng cục bộ, sau đó lan rộng ra nhiều trụ tiêu, thậm chí lan từ vườn tiêu này sang vườn tiêu khác. Rễ của các cây này thường kém phát triển, xuất hiện nốt sần, thối rễ.
Nguyên nhân của bệnh vàng lá hay còn gọi là bệnh chết chậm là sự cộng hưởng của tuyến trùng Meloidogyne incognita và các loại nấm Fusarium solani, Phytophthora spp, Pythium spp… gây ra.
Các bệnh thường gặp trên cây tiêu: Bệnh chết nhanh.
Triệu chứng: Cây đang xanh tốt bỗng dưng các lá đầu đọt bị héo, sau đó rất nhanh lan ra toàn cây. Thân cây nằm trong đất cũng như phần sát mặt đất và rễ cây bị thối sau đó chết khô hoàn toàn trong thời gian rất ngắn. Kể từ khi bắt đầu có triêu chứng đến khi cây chết hoàn toàn chỉ trong thời gian từ 5 đến 15 ngày.
Nguyên nhân gây bệnh: Mùa mưa, ở những vườn không thoát nước tốt sẽ sinh ra nấm Phytophthora. Đây chính là loại nấm gây bệnh chết nhanh ở cây tiêu.
Đây là loại bệnh rất nặng và không có thuốc chữa triệt để, thường chỉ là các loại thuốc phòng, đặc trị nấm Phytophthora trong đất.
Các bệnh thường gặp trên cây tiêu: Bệnh khảm lá và xoăn lá.
Triệu chứng bệnh khảm lá: Lá có các vết khảm đốm vàng hay vệt trắng theo gân lá. Có lá không bị biến dạng nhưng cũng có lá bị biến dạng, mép lá xoăn, gợn sóng, bề mặt nhăn nhúm. Cây bị khảm lá vẫn phát triển chiều cao, nảy cành nhánh và cho quả nhưng chùm quả thưa, ít hạt và năng suất thấp.
Triệu chứng bệnh xoăn lá: Bệnh này có tên gọi khác là tiêu điên với các triệu chứng: lá rất nhỏ, mặt lá sần sùi, mép lá gợn sóng, mất diệp lục một phần hoặc toàn bộ, ngọn tiêu nhỏ lại và ra nhiều ngọn sát gốc tạo thành búi. Các đốt tiêu ngắn, không phát triển được. Bệnh này thường gặp ở những trụ tiêu đang ở thời kỳ kiến thiết ( mới trồng).
Nguyên nhân của bệnh khảm lá, xoăn lá là do virus và sự chích hút của côn trùng gây hại.
Các bệnh thường gặp trên cây tiêu: bệnh nấm hồng.
Triệu chứng của bệnh nấm hồng: Cành tiêu xuất hiện lớp nấm màu hồng sậm, sau đó vài ngày chuyển sang màu hồng nhạt và chuyển sang màu sáng trắng. Lớp nấm này khiến vỏ dây tiêu khô nứt, hủy hoại mạch dẫn nhựa của cây tiêu làm tiêu khô dần và chết.
Nguồn gây bệnh: Ở những vươn tiêu lâu năm, tiêu không được tỉa cành lá thường xuyên, các trụ tiêu rậm rạp. Vào mùa mưa, độ ẩm không khí cao cộng với việc bón thừa đạm nhưng thiếu phân hữu cơ và kali, tạo điều kiện cho nấm Corticium Salmonicolor phát sinh và gây hại.
Các bệnh khác trên lá tiêu:
Bệnh thán thư, bệnh đen lá, bệnh tảo đỏ là những bệnh xuất hiện trên lá cây tiêu. Các bệnh này mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của cây tiêu nhưng nếu để mật độ lá bị bệnh cao sẽ khiến cây khó phát triển cũng như tổng hợp dinh dưỡng để nuôi quả.
# Biện pháp chữa trị các loại bệnh.
Với các bệnh thường gặp trên cây tiêu, các nhà khoa học khuyến cáo các biện pháp phòng và chữa trị như sau:
Với bệnh vàng lá trên cây tiêu:
Với cây có triệu chứng nặng, đào bỏ và thay thế cây mới.
Đối với những cây có triệu chứng nhẹ, có thể sử dụng thuốc trừ nấm
Khi bệnh xuất hiện, đào bỏ các cây bệnh nặng. Đối với những cây tiêu bị bệnh nhẹ có thể sử dụng thuốc trừ nấm Viben C 50 BTN nồng độ 0,3% với liều lượng 2-4 lít dung dịch/gốc; kết hợp với một trong các loại thuốc trừ tuyến trùng như: Tervigo 020SC, Oncol 20 ND 0,3 %, liều lượng 2-4 lít dung dịch/gốc. Cần xử lý từ 2 đến 4 lần trong mùa mưa, mỗi lần cách nhau 1 tháng để phòng trừ. Với các loại thuốc hạt và bột cần được rải ở độ sâu 10-20 cm, sau đó lấp đất lại.
Việc xử lý thuốc nên được thực hiện trong điều kiện đất đủ ẩm.
Biệp phòng phòng bệnh chết nhanh.
Bệnh chết nhanh chưa có thuốc trị mà chủ yếu là các phương thức phòng bệnh. Các nhà vườn cần chú ý các biện pháp phòng trừ tổng hợp, nhất là các biện pháp cơ và sinh học như:
- Mua cây giống cần lựa vườn giống khỏe mạnh, giống kháng sâu bệnh.
- Trồng ở nơi thoát nước tốt. Tạo rãnh thoát nước cho vườn tiêu vào mùa mưa.
- Quá trình chăm sóc, bón phân tránh làm tổn thương rễ.
- Tăng cường sức khỏe cho cây bằng cách bón phân hữu cơ, phân vi sinh.
- Có thể sử dụng một số loại thuốc hóa học để phòng trừ nhưng cần được sự tư vấn của người có chuyên môn.
Xem thêm:
Phòng trừ bệnh khảm lá và xoăn lá:
Nếu trong vườn có cây bị bệnh khảm lá, xoăn lá ở tình trạng nặng không thể cứu chữa, cần cắt bỏ ngay tránh lây lan sang các cây khác.
Kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh hại, nhất là các loài côn trùng chích hút là trung gian gây bệnh khảm lá, xoăn lá. Có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học để trị côn trùng gây bệnh.
Nếu trong vườn có cây bị bệnh, dùng kéo cắt lá bị bệnh và tiêu hủy để tránh lây lan. Tuy nhiên, không dùng kéo vừa cắt lá bị bệnh để cắt vào cây không bệnh tránh đưa virus từ cây bệnh sang cây khỏe.
Mua giống ở vườn cây khỏe mạnh.
Phòng trừ bệnh nấm hồng:
Nhà nông có thể phòng trừ bệnh nấm hồng trên cây tiêu bằng cách vệ sinh ruộng vườn thường xuyên, cắt tỉa cành vào mùa mưa, làm rãnh thoát nước tốt, bón phân cân đối hợp lý và có thể dùng thuốc hóa học để phun phòng.
Biện pháp phòng trừ các bệnh trên lá:
Thực hiện các biện phòng phòng trừ tổng hợp theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và có thể sử dụng biện pháp hóa học trong một số trường hợp nhất định.
# Cách chăm sóc, bảo vệ cây tiêu đơn giản, hiệu quả cao:
Để có thể chăm sóc và bảo vệ cây tiêu hiệu quả cao, bà con nông dân cần nắm vững các yêu cầu kỹ thuật đơn giản sau:
- Với cây tiêu cần có bóng che, và được giữ ẩm tốt trong mùa khô.
- Vườn phải có hệ thống thoát nước tốt trong mùa mưa.
- Với cây tiêu đã cho thu hoạch, cần phải được cắt tỉa thường xuyên, tránh để cây quá rậm rạp tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát triển.
- Bón phân cho cây tiêu với lượng dinh dưỡng cân đối. Ưu tiên bón phân hữu cơ và vi sinh để tạo cho cây có nguồn dinh dưỡng lành mạnh.
- Cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện những bất thường có thể xảy đến.
Xem thêm:
Trên đây là các thông tin về các bệnh thường gặp trên cây tiêu cùng những biện pháp phòng trừ. Chúng tôi cũng cung cấp giải pháp chung để bà con nông dân có thể chăm sóc vườn tiêu đạt hiệu quả cao. Chúng tôi sẵn sàng tư vấn để bà con có thêm những thông tin trong việc phòng ngừa các loại bệnh hại. Hãy liên hệ với Tin nhà nông ngay khi cần nhé.