Chăm sóc cây tiêu sau khi thu hoạch là một bước quan trọng, góp phần vào kết quả của mùa tiêu kế sau. Chính vì thế, bà con trồng tiêu cần phải hiểu rõ về cây tiêu sau thu hoạch và kỹ thuật chăm sóc để có được năng suất và chất lượng quả tốt nhất.
# Cây hồ tiêu sau khi thu hoạch sẽ gặp vấn đề gì?
Cây hồ tiêu ở Việt Nam tùy vào vùng miền với đặc thù khí hậu và thổ nhưỡng sẽ có thời gian ra hoa, kết trái và thu hoạch khác nhau. Thời điểm thu hoạch ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thường vào tháng 2, 3 dương lịch. Với các tỉnh ở miền Trung Bộ thì muộn hơn, khoảng vào tháng 4, 5.
Dù thời điểm thu hoạch là khác nhau, nhưng cây tiêu sau thu hoạch ở đâu cũng đều có đặc điểm giống nhau: đây là thời điểm cây yếu nhất. Khi cây đang cho trái, toàn bộ dinh dưỡng trong cây được tập trung vào để nuôi trái.
Chính vì vậy, khi trái cây được thu hoạch, toàn bộ dinh dưỡng trong cây gần như đã bị vắt kiệt. Bên cạnh đó, khi hái chùm trái, chúng ta đã tạo ra những vết thương hở trên thân cây, khiến cây tiêu rất yếu.
Thời điểm thu hoạch trái tiêu cũng chính là mùa khô, vì vậy đất đai cằn cỗi cũng là một lý do khiến cây tiêu khó hấp thu dinh dưỡng.
Với những nguyên nhân nói trên, có thể thấy cây tiêu sau khi thu hoạch rất yếu và cần phải có chế độ chăm sóc cây đặc biệt để có thể phục hồi nhanh và có thể tổng hợp được dinh dưỡng chuẩn bị cho mùa quả kế tiếp.
Tìm hiểu thêm:
# Kỹ thuật bón phân và cung cấp dinh dưỡng cho cây tiêu.
Cây trồng cần được bổ sung dinh dưỡng thường xuyên, liên tục để đảm bảo cây luôn khỏe mạnh, đủ sức chống chọi với các vi sinh vật gây hại cũng như sự khắc nghiệt của thời tiết và tích lũy để chuẩn bị cho vụ kế tiếp.
Bón phân đúng kỹ thuật chính là cách cung cấp dinh dưỡng giúp cây tiêu khỏe mạnh. Lượng phân bón đúng thời điểm, đúng chủng loại, đủ liều lượng sẽ giúp cây trồng luôn khỏe mạnh và giúp tăng năng suất, chất lượng quả/hạt khi thu hoạch.
Chăm sóc hồ tiêu: Bón phân hữu cơ
Với phân bón hữu cơ, lượng phân bón phù hợp cho cây tiêu như sau: Phân chuồng, phân rác hoai mục: bón 15-20 kg/trụ/năm; Phân hữu cơ sinh học/phân hữu cơ vi sinh: 3-5 kg/trụ/năm.
Chu kỳ bón phân hữu cơ: Mỗi năm một lần, tiến hành vào đầu mùa mưa khi đất đủ ẩm. Khi đó, nhà vườn cần đào rãnh theo mép tán cây, sâu từ 10-15cm, sau đó cho phân vào và lấp đất. Quá trình đào rãnh cần căn chỉnh thật cẩn thận, tránh làm tổn thương bộ rễ cây.
Chăm sóc hồ tiêu: Bón phân vô cơ
Với phân vô cơ, lượng bón phân có thể thay đổi tùy vào tình trạng của thổ nhưỡng. Tuy nhiên, liều lượng thông thường được thể hiện ở bảng dưới đây:
Loại phân: | Phân Urê
(gam) |
Supe lân
(gam) |
Kali
(gam) |
Liều lượng: | 300-500
(480-800 kg/ha) |
500-700
(800-1.120 kg/ha) |
250-260
(400-416 kg/ha) |
Nhà vườn có thể sử dụng các loại phân vô cơ riêng lẻ từng thành phần để bổ sung dinh dưỡng cho cây tùy thuộc vào tình trạng của cây ở từng thời điểm. Cũng có thể sử dụng phân NPK tổng hợp nếu thấy vườn khỏe mạnh. Dù sử dụng loại phân nào thì nhà vườn cũng cần biết rõ thành phần và hàm lượng để chăm bón cho thích hợp.
Với phân bón vô cơ, người trồng chia lượng tổng trên làm 3 lần bón như sau:
- Lần đầu được bón sau thu hoạch khoảng 10 ngày với liều lượng là: toàn bộ phân lân + 1/3 phân đạm + 1/3 phân kali.
- Lần bón này phân này là rất quan trọng. Vì chúng cung cấp dinh dưỡng để cây hồi phục lại sau giai đoạn nuôi quả trước đó. Bên cạnh đó, nó cũng là tiền đề để tạo mầm cành quả cho mùa quả kế tiếp. Vì vậy, năng suất của vườn vụ sau có tốt hay không phụ thuộc vào lần bón này.
- Nếu ở giai đoạn này mà thời tiết khô hạn thì cần phải luôn cấp ẩm đủ cho cây cùng với bón phân để cây hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
- Lần bón phân kế tiếp là đầu mùa mưa. Khi này, đất đã đủ ẩm, lượng bón phân là 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali.
- Lần bón thứ 3 là cuối mùa mưa và bón hết lượng phân còn lại.
Lưu ý khi chăm sóc bón phân cho cây tiêu:
Với việc bón phân vô cơ, để phân bón phát huy được tác dụng đối với cây tốt nhất, cần phải luôn đủ ẩm cho đất. Nếu dưới gốc cây tiêu có nhiều xác bã thực vật hoặc lá cây thì cần phải dọn sạch, xới nhẹ đất theo tán lá và rải đều phân lên, lấp đất. Trong quá trình xới nhẹ cần tránh làm đứt rễ cây. Sau đó, dùng bã mùn hữu cơ ủ lại vào gốc cây.
Nhà vườn có thể thay thế phân vô cơ bằng các loại chế phẩm sinh học đặc dụng để chăm bón cây tiêu khỏe mạnh và cho sản phẩm có chất lượng tốt.
Với vùng có thổ nhưỡng bị nhiễm phèn, nhà vườn có thể bón thêm vôi, với liều lượng mỗi gốc từ 100-200g để cải tạo độ chua của vườn. Bón vôi bằng cách rải đều trên mặt đất, xung quanh tán tiêu hoặc có thể ủ chung với phân chuồng rồi đem bón.
#Kỹ thuật chăm sóc cây tiêu sau khi thu hoạch.
Thông thường, để chăm sóc cây tiêu sau khi thu hoạch đạt hiệu quả, nhà vườn cần phải thực hiện các công đoạn khác nhau. Cụ thể là:
Làm công tác vệ sinh vườn tiêu thật sạch sẽ sau thu hoạch để tránh mầm bệnh của vụ trước lây lan sang vụ sau.
Cắt tỉa cành, chỉ để lại những cành khỏe và tán thích hợp để tạo sự thông thoáng cho toàn bộ vườn, tránh để tán rậm làm cơ sở cho sâu bệnh có cơ hội phát sinh, nhất là vào mùa mưa.
Kiểm tra vườn tiêu thường xuyên vườn để phát hiện các hiện tượng bất thường hoặc các loại sâu bệnh mới xuất hiện để phòng trừ kịp thời.
Bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng bằng hàm lượng phân vi sinh hoặc phân NPK với liều lượng thích hợp.
Cần giữ cho vườn tiêu luôn đủ nước mà không bị ẩm quá. Có thể thực hiện phun phân bón lá cho cây ngay sau khi thu hoạch, giúp cây khỏe mạnh và đủ dinh dưỡng để tạo mầm mới cho vụ sau. Bà con có thể tiến hành hãm nước cho tiêu từ 1-2 tháng tùy tình hình thực tế của vườn để giúp phân hóa mầm hoa tốt hơn.
Với những thông tin về cách chăm sóc cây tiêu sau thu hoạch nói trên, phần nào đã giúp được bà con hiểu rõ về vai trò của dinh dưỡng cho cây ở thời điểm quan trọng này. Tin nhà nông mong rằng với những thông tin tham khảo này, bà con sẽ luôn có được những vụ mùa thắng lợi.