Quả sầu riêng là một loại quả được trồng phổ biến tại các tỉnh miền Tây của Việt Nam. Tin nhà nông xin giới thiệu đến bạn những loại sầu riêng ngon ở Việt Nam và những lợi ích về dinh dưỡng mà cây sầu riêng mang đến cho sức khỏe con người.
1. Quả sầu riêng là gì? Mùa sầu riêng tháng mấy?
Quả sầu riêng là một trong những loại trái cây phổ biến tại Đông Nam Á. Ở Việt Nam, sầu riêng được trồng phổ biến nhất ở những tỉnh miền tây và Đồng bằng sông Cửu Long như Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp… Mùa sầu riêng ở Việt Nam thường vào tháng 3 đến tháng 5. Tuy nhiên, hiện nay có sự cải tiến giống cây nên có những giống cây có thể cho quả quanh năm.
Đặc điểm của quả sầu riêng: Đây là loại hoa quả có kích thước trung bình khoảng từ 2 – 5 kg/trái. Phần vỏ bên ngoài của sầu riêng là lớp gai nhọn, phần cùi bên trong – phần ăn được thường có 4 hoặc 5 múi cơm. Múi sầu riêng thường rất béo, ngậy, khá mềm và có vị ngọt tự nhiên. Sầu riêng có mùi rất nặng, nhiều người không thể ngửi và ăn được loại quả này.
Quả sầu riêng không chỉ là một loại hoa quả mà còn có thể chế biến thành các loại đồ uống như nước ép, làm kem hay là nguyên liệu chính cho một số món bánh, món ăn mặn.
Cập nhật bảng giá sầu riêng mới nhất hôm nay.
2. Các loại sầu riêng ở Việt Nam
2.1. Sầu riêng Ri 6
Quả sầu riêng Ri 6 là quả sầu riêng loại to, được trồng nhiều tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Sầu Ri 6 được ghép thành công từ những năm 1990 bởi ông Sáu Ri. Cũng chính vì vậy nên những người nông dân gọi giống sầu này là sầu riêng Ri 6.
Đặc điểm: Sầu riêng Ri 6 có hình bầu dục, gai thưa nhưng to hơn các loại sầu riêng khác. Múi sầu có màu vàng tươi, dày và phần hạt bên trong là hạt lép, mùi thơm của sầu rất nồng. Trung bình sầu riêng Ri 6 có trọng lượng khoảng 3 – 6 kg/trái.
Giống sầu riêng Ri 6 thích hợp trồng ở vùng có khí hậu nóng ẩm, ví dụ như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trồng trong điều kiện thời tiết phù hợp và kết hợp với việc chăm sóc, bón phân hợp lý sẽ đạt hiệu quả cao về năng suất và chất lượng của sầu riêng
2.2. Sầu riêng chuồng bò
Quả sầu riêng chuồng bò được trồng nhiều ở vùng Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền tây. Tuy nhiên, đây là giống sầu không cho năng suất cao mà quá trình trồng, chăm sóc khó, đòi hỏi nhiều kỹ thuật và công sức.
Đặc điểm: Sầu riêng chuồng bò là loại quả có kích thước nhỏ chỉ từ 1 – 2 kg/trái và hình dáng gần giống với hình trụ. Cơm sầu khi chính có màu vàng nhạt trông không được bắt mắt như sầu riêng Ri 6. Tuy nhiên phần cơm rất mềm, bùi, béo, hơi nhão và hương thơm của sầu riêng cũng không quá gắt nên rất nhiều người ưa thích loại sầu này.
Có hai loại sầu riêng chuồng bò là loại hạt lép và hạt thường. Tỷ lệ hạt lép của giống sầu này khoảng 20 – 30% nhưng phần cơm vẫn khá dày và béo.
2.3. Sầu riêng khổ qua
Quả sầu riêng khổ qua là giống sầu lâu đời của Việt Nam. Có hai loại sầu riêng khổ qua là sầu khổ qua vàng và khổ qua xanh. Loại sầu riêng khổ qua xanh được cả người dần trồng và người thích ăn sầu riêng ưa thích hơn vì phần cơm dày, bùi, ngon hơn.
Đặc điểm: Sầu riêng khổ qua có hình dáng giống với trái khổ qua, có lẽ chính vì vậy mà nó được gọi với cái tên sầu riêng khổ qua. Sầu khổ qua có phần vỏ bên ngoài xanh gai to, phần cơm sầu bên trong có màu vàng nhạt, khá nhão, không quá béo ngậy, vị ngọt vừa phải. Khi ăn sầu riêng khổ qua còn có vị đắng nhẹ khác hoàn toàn so với loại sầu khác.
2.4. Sầu riêng Cái Mơn
Quả sầu riêng Cái Mơn là một trong những món đặc sản của Bến Tre. Đây là giống sầu được cả người trồng và những người thưởng thức sầu yêu thích vì nó cho lượng năng suất ổn định, hương vị có những nét đặc trưng riêng.
Đặc điểm: Sầu Cái Mơn có kích thước nhỏ khoảng từ 1 – 2 kg/trái. Bên ngoài vỏ rất mỏng, có màu xanh đậm, ít gai. Phần cơm bên trong có màu vàng óng, cùi dày, khá béo và ngậy nhưng không bị ngọt gắt nên được nhiều người yêu thích.
Một điểm rất thú vị của sầu riêng Cái Mơn là chúng có thể tự dụng khi đã chín vào khoảng 12 giờ trưa hoặc nửa đêm. Trước đây loại sầu này chỉ cho ra trái vào mùa hè. Nhưng hiện nay, với sự cải tiếng giống cây trồng đã có thể cho quả quanh năm mà vẫn giữ được những nét đặc trưng và nâng cao năng suất giống cây trồng.
2.5. Sầu riêng ruột đỏ
Quả sầu riêng ruột đỏ có nguồn gốc từ Malaysia có điểm đặc trưng bởi phần ruột màu đỏ. Sầu riêng ruột đỏ có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng khoảng bàn tay người. Dù khá nhỏ bé nhưng phần cơm sầu vẫn có vị ngọt đậm đà, béo ngậy và hơi dai cứng. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều thì có thể dẫn đến tình trạng say sầu riêng. Loại sầu riêng khá khó tìm nên ở Việt Nam chưa có nhiều nơi bán loại sầu riêng ruột đỏ này.
2.6. Sầu riêng Musang King
Sầu riêng Musang King đúng như cái tên của nó “vua của các loại sầu riêng” có mức giá rất đắt đỏ, trung bình khoảng 1 – 2 triệu VNĐ/trái. Trên thị trường có rất nhiều nơi bán loại sầu này nhưng đều ở dưới dạng đông lạnh, rất hiếm loại sầu nguyên quả hay sầu chín rụng.
Tìm hiểu thêm: Kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng Musang King
2.7. Sầu riêng thái (sầu riêng Dona)
Quả sầu riêng Thái Dona là giống cây có lá sầu xanh hơi bóng, cho ra quả sầu thon dài, phần gai bên ngoài thưa. Sầu thái có vị ngọt thanh dễ chịu. Cơm sầu khá dày, béo, có màu vàng nhạt và không bị đắng hay nhão.
3. Giá trị dinh dưỡng của sầu riêng
Quả sầu riêng là loại cung cấp nhiều dưỡng chất và các loại vitamin có lợi cho sức khỏe con người. Trong sầu riêng thường có các chất và hợp chất như chất xơ, chất béo, protein, các loại vitamin B6, C và các chất như kali, đồng, magie, folate, thiamine và niacin.
Sầu riêng có thể có một số tác dụng khác cho sức khỏe như chống nhiễm trùng, giảm nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim và có thể kiểm soát lượng đường trong máu.
Trên đây là một số chia sẻ của Tin nhà nông về các loại quả sầu riêng cũng như những giá trị dinh dưỡng, lợi ích của sầu riêng đến sức khỏe con người đến bạn đọc. Chúc bạn có một ngày làm việc hiệu quả và vui vẻ!