Người nông dân trồng tiêu có một nỗi sợ đối với loại bệnh “chết nhanh”. Tin nhà nông sẽ cung cấp một số thông tin về thuốc trị bệnh chết nhanh trên cây tiêu hiệu quả, nhanh chóng, giúp bà con không bị lúng túng khi không may vườn nhà mình bị bệnh này.
# Bệnh chết nhanh trên cây tiêu là gì?
Bệnh chết nhanh trên cây tiêu là một loại bệnh do loài nấm Phytophthora (P.capsici, P. nicotianae, P.cinnamomi) gây ra, chúng có tên gọi chuyên môn là bệnh “Thối gốc – chết dây”. Sở dĩ chúng có tên là bệnh chết nhanh là bởi từ khi cây có hiện tượng đến khi chết trong một thời gian rất nhanh khiến bà con nông dân không kịp trở tay và cũng không thể cứu chữa.
Đây là loại bệnh trên cây tiêu mà theo những người làm vườn đánh giá là đáng sợ nhất.
Triệu chứng:
Cây tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên héo từ đọt non, xuống lá và rụng ào ạt để lại toàn dây, cành và nếu cây đang cho trái thì trái bị méo mó. Kể từ khi bắt đầu có hiện tượng héo đọt đến khi cây chết hẳn chỉ kéo dài đến 1-2 tuần.
Khi cây chết, nếu nhổ cây lên sẽ thấy phần cổ rễ, phần thân sát mặt đất và rễ bị đen, vỏ vây bong ra, ngửi có mùi hôi.
Nguyên nhân:
Bệnh chết nhanh trên cây tiêu có nguyên nhân do loại ấm thích nước sống dưới đất tên là Phytophthora (P.capsici, P.nicotianae, P.cinnamomi) gây ra. Chính vì thế, bệnh chết nhanh trên cây tiêu chủ yếu phát triển mạnh trong mùa mưa, nhất là giữa và cuối mùa mưa hoặc kéo sang đầu mùa khô.
Thông thường, nấm Phytophthora kết hợp với các loại nấm gây hại khác sống trong đất như Pythium, Fusarium, Rhizoctonia… tấn công tổng lực cây trồng nên tiêu chết rất nhanh vì chúng xâm nhập hầu như tất cả các bộ phận của cây tiêu. Bộ phận chúng tấn công đầu tiên là những bộ phận dưới đất, sát đất như rễ, gốc, thân… Kể từ khi chúng tấn công vào cây trồng cho đến khi biểu hiện ra ngoài là héo đọt thì thời gian đã kéo dài vài chục ngày. Do vậy, rất khó để phát hiện ra được cây đã dính bệnh và cũng rất khó để cứu chữa.
Có thể bạn chưa biết:
- Bảng giá hồ tiêu mới nhất hôm nay
- Thông tin tổng quan về cây hồ tiêu bạn cần biết.
# Chết nhanh ở hồ tiêu có đặc điểm và tác hại gì?
Nắm rõ đặc điểm và tác hại của bệnh chết nhanh ở hồ tiêu nhằm đưa ra được các biện pháp phòng tránh là điều bà con cần.
Các đặc điểm bệnh chết nhanh ở hồ tiêu:
- Thường xảy ra vào mùa mưa, nghiêm trọng ở giữa và cuối mùa mưa và có thể kéo dài sang đầu mùa khô.
- Thời gian ủ bệnh kéo dài và tính lây lan rất nhanh.
- Bệnh thường xảy ra ở những vườn tiêu đã cho thu hoạch trái, tuy nhiên cũng có trường hợp xảy ra với một số cây có tuổi đời mới chỉ 2-3 năm. Vì thế rất khó để có thể phán đoán để có biện pháp phòng tránh.
- Bệnh thường xảy ra ở những vườn tiêu công tác thoát nước kém, nhà vườn không thực hiện tốt khâu vệ sinh đồng ruộng và bón phân về lượng không được cân đối.
Tác hại của bệnh chết nhanh ở cây tiêu:
- Bệnh chết nhanh ở hồ tiêu rất dễ lây lan. Vì vậy, thiệt hại do bệnh này đối với các nhà vườn là khá lớn.
- Với đặc điểm bệnh xuất hiện chủ yếu ở các vườn tiêu đã cho thu hoạch, điều này ảnh hưởng xấu đến năng suất và kinh tế của nhà vườn.
- Khi cây tiêu bị bệnh chết nhanh, nhà vườn sẽ buộc phải tiêu hủy cây chết, trồng lại cây con sau khi đã xử lý đất để loại bỏ các mầm bệnh. Như thế sẽ phải tốn thời gian, tiền của và công sức chăm bón lại cây con cho đến khi cho thu hoạch.
# Các loại thuốc trị bệnh chết nhanh trên cây tiêu.
- Như trên đã phân tích, bệnh chết nhanh trên cây tiêu có quá trình ủ bệnh khá lâu và khi đã phát bệnh thì người nông dân chỉ có thể nhổ bỏ, trồng mới thay thế.
- Hiện nay, với sự tiên tiến của công nghệ, đã có một số sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ có thể diệt trừ được nấm Phytopthora. Tuy nhiên, khi cây đã nhiễm bệnh thì không thể chữa được mà chỉ có thể phòng bệnh.
- Các loại thuốc có chứa hoạt chất đặc trị nấm Phytopthora được chúng tôi giới thiệu dưới đây có hàm lượng khác nhau. Vì vậy tùy loại thuốc mà có liều lượng pha và thời gian phun cho phù hợp.
- Thuốc Alpine (Fosetyl aluminium) 800WDG: pha 20 – 25 g/8lít hoặc Mexyl MZ 72WP, liều 30 g/8 lít phun lên cây vào giữa hay cuối mùa mưa.
- Treppach bul 607 SL: liều 0,3% phun đều tán cây hay vùng rễ.
- Các thuốc này có thể được sử dụng xen lẽ với các thuốc gốc đồng mỗi tháng 1 lần để phòng ngừa bệnh chết nhanh nếu thấy vườn tiêu kế bên bị bệnh. Nếu vườn từng có cây bị bệnh vào vụ trước thì cần phải phun các thuốc này phòng trừ ngay từ năm đầu tiên.
- Hoặc bà con có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Aliette 80 WP, Ridomil MZ 72 WP, Ridomil Gold 68 WP, Mexyl MZ 72 WP với nồng độ 0,3 %, liều lượng 2-4 lít dung dịch/gốc, xử lý vào đất đồng thời phun lên cây 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày và đầu và giữa mùa mưa để phòng bệnh.
# Giải pháp để phòng bệnh cây tiêu chết nhanh.
Mặc dù đã có thuốc đặc trị nấm Phytopthora, nhưng về cơ bản, hiệu quả điều trị không cao và rất tốn kém. Chính vì thế, bà con nông dân nên thực hiện các giải pháp phòng bệnh cây tiêu chết nhanh ngay từ đầu mùa mưa. Đây mới là các làm thông minh và có hiệu quả cao.
Các biện pháp phòng bệnh như sau:
- Trồng đúng mật độ.
- Sau khi thu hoạch hoặc vào mùa khô, nên cắt tỉa các nhánh cây sát mặt đất.
- Quét vôi hoặc dung dịch Bordeaux 10% vào phần thân tiêu sát mặt đất để hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh.
- Trồng xen canh các loại cây cà phê, dừa có tác dụng giảm bệnh chết nhanh. Tuy nhiên không nên trồng xem với các cây cao su, sầu riêng, xoài…
- Khi mới trồng cây con, nên lấy giống ở vườn cây sạch bệnh.
- Phủ cỏ, rơm rạ quanh gốc tiêu để tạo lớp thảm thực vật, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi cho đất phát triển. Nếu có thể, trồng các cây họ đậu trong vườn tiêu vì các cây này thích hợp cho các vi sinh vật có lợi trong đất sinh sôi phát triển.
- Vườn tiêu cần phải được thiết kế để thoát nước tốt, tránh ứ đọng nước trong thời gian dài.
- Chế độ chăm sóc, bón phân và bảo vệ cho cây phải hợp lý giúp cây có sức khỏe tốt để chống chịu điều kiện khắc nghiệt của thời tiết cũng như các vi sinh vật gây hại.
- Đối với vườn đã từng bị bệnh chết nhanh, cần xử lý triệt để mầm bệnh và chờ đợi vài năm mới trồng lại, tránh trồng ngay dê bị thiệt hại.
Trên đây là những thông tin về bệnh chết nhanh và thuốc trị bệnh chết nhanh trên cây tiêu. Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bà con trồng tiêu trong việc phòng bệnh và không phải sử dụng đến các loại thuốc vô cơ được nhắc đến trong bài.
Chúc bà con luôn có những mùa bội thu.